Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Bình luận văn học

 Trân trọng một tấm lòng yêu thơ của bạn thơ từ xa.


L ố i  đ ờ i  s ư ơ n g  p h ụ


Phía miền nhớ tận cùng đau 

những dấu chân đế lại 

Vừa kịp cho ta 

nhìn vết lõm thời gian

Xin là như cổ tích bay vào xa ngái

Cho hết mùa thương 

ta nghiêng mộng đã tan


Từng đêm xuống trần tình cùng nỗi nhớ

Nghe từng vòng quay số phận 

trải lòng nhau

Em cúi mặt 

đếm tháng ngày như duyên cớ

Nghiêng hết lòng mong dấu chân...

bước về mau


Từng bước chân 

vào lối đời sương phụ

Nhắn nhủ một mùa thương

 vẽ mộng trăm năm 

Âm thầm và lặng lẽ

 gối đầu lên đã cũ

Em thôi lòng chát đắng 

vời vợi những xa xăm


Luận ngữ một khuôn mặt thơ 


Với riêng tôi, Hoàng Chẩm viết tình thơ - không phải thơ tình. Dẫu rất đủ đầy những phiến ngọt ngào, mênh mang, nồng nàn… nhưng Người không chỉ tập trung vào mỹ ngữ để thể hiện tính yêu. Mà có cả dị ngữ - dị ngôn. 


Người từng nói với tôi: chúng ta là con người, hãy chấp nhận phần ‘’con'’, vốn dĩ là một phần cấu trúc trong phận người. 


Có lẽ, chính nỗi chấp nhận này đã tạo nên những thung lũng dị ngôn trong thơ Hoàng Chẩm. Tình yêu, nếu chỉ là những tu từ lãng mạn, hồng tươi, nụ hôn, trời xanh, mây trắng… thì ngẫm thấy: yêu thì có đấy nhưng tình vẫn chưa đủ thương vay. Tình khi này như một nụ môi phớt ngang đời, trinh nguyên, ngọt lịm, toàn vẹn không tì vết nhưng rồi.. để quên. Tình yêu như vậy chắc hẳn đã vui, đã hân hoan đấy nhưng ít đi tính thi vị và huân lạc sâu sắc trong tim người được yêu và người được đọc. Là vậy. Tình thơ Hoàng Chẩm không gây những rung động lớn, vây hãm manh động, mà là những tia lửa lách tách cháy âm ỉ trong đống tàn tích rồi kết tinh thành áng mây, dưới sức ép của ánh sáng trần trụi và định luật hấp dẫn lại rơi xuống thành những giọt mưa, thấm len lỏi trong mạch ngầm của đất, hút chặt và bám dính lấy thân cây. Sau đêm và trăng, chiếc nụ mỏng manh đó nứt toạc trong sương, trong phiêu diêu đầy thoả mãn mà đâm chồi nở thành một đoá hoa đẹp huyễn hoặc giữa vườn. Đó là một trạng tính chuyển hoá chậm, dày, sâu miên viễn liên hồi. Hãy tưởng tượng trong vô số những điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống, còn gì ơn hạnh hơn khi được ủ tê cơn đau và những phiến mục ruỗng trong lòng mình bằng những bài tình thơ đúng chất tình được ân cần viết trong vô lượng lặng thinh. Còn gì đẹp hơn khi được ngắm nghía và đọc một bông hoa được nở lên sau một chặng luân hồi chuyển hoá chỉ từ những đốm lửa li ti nơi tàn thuốc? Đọc thơ Người mang lại một cảm giác tự mị có nhân dạng rất rõ ràng.


Phía miền nhớ tận cùng đau những dấu chân đế lại 

Vừa kịp cho ta nhìn vết lõm thời gian

Xin là như cổ tích bay vào xa ngái

Cho hết mùa thương ta nghiêng mộng đã tan


Một vùng lặng im rất ngay ngắn chỉnh chu được đặt ngay khổ đầu bài thơ ‘’Phía miền nhớ tận cùng đau”. Nỗi đau và yêu khi này đã được Người mô tả trong hàm ý sau chạm trải nhiều chương, nhiều tập với nhiều nhân dạng rất khác nhau. Bởi nhiều nên mới đến ‘’tận cùng đau'’. Mấy ai đi được tấy tận cùng đó để hiểu ra cảm giác bình phàm khi ấp lòng vào những dấu chân để lại. Chỉ là dấu chân thôi, hoạ hoằng đã đủ dày xô cả một cuộc người. Để rồi được gì, được mỗi sự kịp nhận ra vết trừu tượng và mô phỏng nhất của tạo hoá “vết lõm thời gian'’. Đau! Một nỗi đau rất chuẩn mực vì đã được chấp nhận hoá.


Tình yêu - là một dạng tình đầy tính ‘’con'’ trong phần người nhất. Vì trong phiên bản tình này thì vì yêu người ta  không kiên dè phô phày cấu trúc ‘’con’’ của chính mình, không ngại ngần thể hiện sự si mê, tôn thờ, phủ phục và cả những tục luỵ đọng vọng mà trái tim nói, trí óc nói, da thịt nói, máu và tất cả tế bào biết nói, biết run lên. Nên trong tình yêu, loài người dám cho, dám đòi, dám van lơn, dám đau, dám xin. Sau tất thẩy, thì Hoảng Chẩm đã xin ‘’Xin là như cổ tích bay vào xa ngái / Cho hết mùa thương ta nghiêng mộng đã tan.’’  Một sự van nài nghe chừng đơn giản mà rát lòng đến vậy. Yêu đến một miền nhớ đã từng. Rồi thì chỉ xin cho hết mùa thương mà nghiêng mộng thôi. Tự đấy, mị từ nằm trong những con chữ rất giản đơn nhưng được sắp xếp rất khẩn khoản, bao trùm lên không khí một mỹ ý đầy nhân văn sau một đoạn dài khắc khoải chấp nhận tính chất ‘’con / người’’ trong tình yêu của mình. 


Từng đêm xuống trần tình cùng nỗi nhớ

Nghe từng vòng quay số phận trải lòng nhau

Em cúi mặt đếm tháng ngày như duyên cớ

Nghiêng hết lòng mong dấu chân bước về mau


Tôi cứ muốn hát vang với cảm nghĩ phát hiện ra tu từ phù hợp nhất, rằng: Tình Thơ của Hoàng Chẩm phi giới tính, nhìn xem bao nhiêu cô gái và đàn bà đã đưa ngón tay lên môi, chặn lại lời ‘’than ôi!’’, bao nhiêu phiến phận đa đoan đã run vai trong đêm khoắn rỗng mà tứa ra giọt đồng cảm. Những người đàn bà đọc ý mình trong thơ Hoàng Chẩm, chạm chính mình trong thơ Hoàng Chẩm, đôi lúc lại huyễn hoặc muốn yêu thơ - yêu cả người viết thơ, có khi lại muốn trở thành một tùng bách mà che nắng khiêng mây cho người tuôn ra giọt thơ ấy. 


Đủ thấy, Người đã phải yêu đắm đuối, hạnh phúc vô bến bờ và khủng hoảng vô song với đàn bà thế nào để có thể hiểu đàn bà đến vậy, để có thể viết thay đàn bà sâu sắc đến vậy. Hay, lắm khi, vì yêu đến kiệt cùng mà Hoàng Chẩm muốn viết thay niềm ‘’em'’ để thương ‘’em’’, để ôm ấp nỗi đau ‘’em’’, đưa từng phiến vỡ toang trong ‘’em’’ lên mắt môi mà hôn hít, tôn thờ. Ai có thể biết được vì sao là thể thức ‘’Em'’. Tương tự như không một ai có thể hiểu được vì sao tình yêu lại gắn kết và dính mắc những kẻ xa lạ với nhau đến vậy.


Là phụ nữ, mỗi khi tôi đọc những bài thơ chủ thể ‘’Em'’ được viết bởi Hoàng Chẩm là mỗi khi được trò chuyện với phiên bản của chính mình. Đây là nét rất riêng, rất dị biệt.


Từng bước chân vào lối đời sương phụ

Nhắn nhủ một mùa thương vẽ mộng trăm năm 

 Âm thầm và lặng lẽ gối đầu lên đã cũ

Em thôi lòng chát đắng vời vợi những xa xăm


Cuối cùng thì, sau hàng trăm vạn điều nhỏ nhặt trong cuộc đời này và tình yêu. Đến một ngày đẹp trời dĩ quý nào đó, Hoàng Chẩm chỉ mong cầu chúng ta - em - anh - tôi - họ đều tìm thấy những điều ngọt ngào ngay cả khi im lặng nhìn nhau không làm gì cả, không nói gì cả và lòng sẽ làm ơn cuộc đời vì đã được biết đến nhau trong một lãng mạn, một sôi nổi, một bi thương. Đời người, dẫu là ai trong thực tại hay quá khứ, tình nhân hay nhân tình, đồng sàn hay dị mộng, sương phụ hay phu thê… trong ‘’vết lõm của thời gian'’ cất đọng lại cũng là một phiến người. Mà trên đầu thì thời gian cứ bay mải miết, sau lưng là quá khứ - là đã cũ - đã từng, trước mặt lại là cánh cửa vô thường. Ký hiệu trên cánh cửa khắc rất rõ: Ngộ và Vô Minh. Dù đã từng là phiến người mạnh mẽ, vô lượng ân cần nào đó, khi cúi xuống với lõm thời gian, cũng chỉ nhìn thấy mình trong hình hài của một tán cây yếu mềm, lliêu xiêu đối diện trước Xuân Hạ Thu Đông mà rắn lòng âm thầm học cách nhận - cho. Bởi, đau cũng đã đau rồi, đi để lại chỉ mỗi dấu chân cũng đã đi rồi. Trần tình, cúi mặt chờ mong cũng đã trải trọn. Thì sau lời ‘’Nhắn nhủ một mùa thương vẽ mộng trăm năm’’. ‘’Em'’ đó đã ‘’ m thầm và lặng lẽ gối đầu lên đã cũ’’.


‘’Em thôi lòng chát đắng vời vợi những xa xăm’’


‘’Em’’ đã chọn ‘’Ngộ’’, đã thống thiết muốn thoát ly khỏi sự vô minh. Dẫu là một nỗi lòng đắng chát vời vợi. Em đã chấp nhận ‘’gối đầu lên đã cũ’’ mà sao lời thơ còn cô đơn quá, hoang vu quá. Đọc tới cuối bài thơ, tôi chỉ cầu Trời thương em, nuôi nấng em, gìn giữ em bởi sự khôn kham đơn lạnh này. ‘’Tôi thương em’’ đó là những điều đôi môi tôi đã thốt lên và ngón tay đã đặt lên giữ chặt lại.  


Là Hoàng Chẩm, là bài thơ ‘’Lối Đời Sương Phụ’’ của tác giả khiến giọt mắt người đọc nén chặt lại trong xót xa. Ái tình trong Hoàng Chẩm thật đẹp, thật hoang dã, liêu trai và cũng đầy xơ xác, hoang tàn. Ái tình khi này như một tảng khủng hoảng hiện sinh sâu sắc. Như một vùng lặng im. Một cổ tích đời. Một đoá môi câm. 


J Ng



Indochia 07/10/2024

LUÂN CẢM

 Đến với bài thơ hay "KHẼ THÔI" của nhà thơ, nhà nông Hoàng Chẫm

Lời bình Nam Bùi


KHẼ THÔI

h o à n g  c h ẩ m


*

Khẽ thôi! Kẻo thu đau

Lá cũng đã phai màu 

Mùa thương chưa chạm mặt 

Tiếng buồn rơi trong nhau


**


Khẽ thôi! Kẻo môi đau

Vòng tay như buổi đầu

Ngón mềm như vỡ vụn

Lời thì thầm qua mau


***

Khẽ thôi! Cho đêm thâu

Lời trần tình thêm sâu 

Lắng nghe từng hơi thở 

Nhịp đời giữa ngàn lau.


Viết trong những ngày đầu tháng 8-2022


   Bài thơ "Khẽ thôi" của nhà thơ Hoàng Chẫm dồn tụ rất nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, chồng chéo: có trầm buồn, sâu lắng, có bâng khuâng, da diết, có vời vợi ngân nga. Nhan đề bài thơ "Khẽ thôi" điệp cách quãng tới ba lần, được chọn vị trí đứng đầu mỗi khổ thơ. Và được tách ra một cách chủ ý thành những câu đặc biệt có dấu chấm cảm, tựa những nốt lặng kèm theo dấu chấm dôi kề bên, ví như điểm nhấn, têu điểm, ngọn hải đăng trên bản nhạc. "Khẽ thôi" - lời thì thầm bên hơi thở mùa thu, bên nhịp thở  tình thu, bên những kỉ niệm xa ngái chạnh buồn se xót, buột nồng, gạn níu khắc khoải chơi vơi...


   Khẽ thôi! Nhè nhẹ ru hồn ta về kí ức nơi có mùa thương đang tan chảy, rưng rức nhuộm buồn. Khẽ thôi kẻo thu đau, tình trào dâng cứa lệ. Tiếng nao nao vẳng giữa thu buồn, lơ lửng rơi dần đều trong từng khoảnh khắc chạm vào tim nhau...


   Khẽ thôi kẻo thu đau

   Lá cũng đã phai màu 

   Mùa thương chưa chạm mặt

   Tiếng buồn rơi trong nhau


  Khẽ thôi! Kẻo trăm giọt đắng, nghìn nỗi nhớ, vạn niềm thương lại bất chợt ùa về, trỗi dậy trên làn môi, ánh mắt, nụ cười là lãnh địa của mối tình đầu, nụ hôn đầu vốn dĩ mặc định trao nhau, hẹn ước. Cái thuở gặp gỡ, lần đầu trao nhau ánh mắt, trời thu xanh ngắt mắt em xanh. Vậy nên khi bất chợt hay vô tình đặt chân nơi dòng thời gian đã hằn sâu, im lìm trong quá vãng thì "môi đau", "ngón mềm vỡ vụn", để rồi lời thương ta ngỏ cùng nhau, lời trần tình trong veo giữa tiếng thu nghìn trùng xa ấy vội vàng qua mau, không có đường song song, tiệm cận mà chỉ có đường giao nhau mà điểm giao nhau ấy hằn nguyên trong kí ức:


   Khẽ thôi! Kẻo môi đau 

   Vòng tay như buổi đầu 

   Ngón mềm như vỡ vụn 

   Lời thì thầm qua mau


   Khẽ thôi! Cho canh trường lặng lẽ, lời trần tình với màn đêm dài, mông lung kìm chới với. Bao điều muốn ngỏ chưa biết gửi nơi đâu? Vào mảnh trăng tà le lói? Hay ngọn gió lạc lõng giữa đường hoang chơi vơi, mịt mùng? Hãy lắng nghe, đếm từng màu thời gian đến, lắng nghe hơi thở, nhịp đời... giữa ngàn lau:


   Khẽ thôi! Cho đêm thâu 

   Lời trần tình thêm sâu

   Lắng nghe từng hơi thở 

   Nhịp đời giữa ngàn lau.


   Khẽ thôi! Kẻo không gian lắng lại, thời gian ngừng trôi, kẻo thu đau, tình sầu vụn vỡ sẽ lăn dài, chảy vô hồi không ngớt dọc mùa li, choán ngợp nhịp thở dòng đời!

Bình luận văn học

 Trân trọng một tấm lòng yêu thơ của bạn thơ từ xa. L ố i  đ ờ i  s ư ơ n g  p h ụ Phía miền nhớ tận cùng đau  những dấu chân đế lại  Vừa kị...